Một công trình thang máy sẽ được cấu tạo bởi rất nhiều bộ phận và linh kiện khác nhau. Tuy nhiên, một chiếc thang máy cơ bản sẽ có 5 thành phần chính như sau:
1.Hố PIT thang máy
Hố PIT là phần hố dưới cùng của giếng thang tính từ mặt sàn tầng thấp nhất trở xuống. Phần hố PIT thang máy thường thiết kế ở vị trí âm so với độ cao tự nhiên của mặt đất.
Hố PIT có 3 vai trò:
- Là nơi để lắp các thiết bị an toàn như giảm chấn, governor. Tác dụng chính là phòng trường hợp nếu có sự cố đứt cáp xảy ra. Khi đó thiết bị giảm chấn sẽ triệt tiêu lực do cabin hoặc đối trọng rơi xuống. Đồng thời nó cũng là không gian cho phần đáy cabin chui xuống khi cabin dừng ở tầng cuối cùng.
- Đảm bảo có 1 không gian an toàn cho tình huống thang máy vượt quá hành trình. Nó sẽ giúp tránh va chạm cabin khi thang dừng.
- Là không gian cho nhân viên kỹ thuật thao tác trong việc bảo trì thang máy cũng như sửa chữa về sau khi cần thiết.
2.Hố thang máy
Hố thang máy hay khung thang máy là phần bao bọc quãng đường hành trình của thang máy. Bên trong hố thang được lắp đặt các thiết bị vận hành của thang như:
Ray dẫn hướng Cabin: Được cố định vào vách hố thang. Có tác dụng dẫn hướng Cabin theo chiều lên, xuống.
Ray dẫn hướng đối trọng: Được cố định vào vách hố thang. Có tác dụng dẫn hướng đối trọng theo chiều lên, xuống.
Đối trọng thang máy: Là bộ phận được đúc từ bê tông bọc nhựa có tác dụng đẻ cân bằng tải trọng của thang máy
Cáp tải thép: dùng để treo phòng thang và đối trọng
Cáp bộ phận chống vượt tốc: Được cố định vào cabin và bộ điều tốc trên phòng máy.
3.Phòng thang máy
Phòng thang hay được gọi là cabin là khoảng không gian bên trong thang máy được giới hạn bởi 4 vách thang, là nơi để người đứng và chứa hàng hóa khi di chuyển. Ở cabin có những thiết bị được khác được lắp đặt:
Bộ điều khiển cửa cabin: Chức năng để đóng mở cửa phòng thang khi bằng tầng
Shoe dẫn hướng (guốc dẫn hướng): Thiết bị bánh xe đặc biệt. Dùng để dẫn hướng cabin di chuyển lên, xuống trên trục ray dẫn hướng cố định.
Thiết bị dừng khẩn cấp: Là thiết bị an toàn được đặt ở dưới đáy phòng thang chúng có tác dụng giữ thang máy cố định khi phòng thang di chuyển quá tốc độ cho phép
4.Cửa tầng thang máy
Cửa tầng thang máy là các cửa được gắn ở phía bên ngoài cabin ở mỗi tầng, với mục đích che giếng thang khi không có cabin ở tầng đó. Cửa tầng thang máy mở đồng thời với cửa cabin theo nguyên lý khi động cơ đầu cửa hoạt động tạo lực momen mở cửa cabin, ngay lúc đó cửa cabin lẫy khóa cửa tầng thang máy và mở cửa tầng.Cấu tạo của cửa tầng thang máy bao gồm: đầu cửa tầng để treo cánh cửa, khung bao, nút bấm gọi tầng và hiển thị tầng.
5.Phòng Máy
Phòng máy thang máy, hay cách gọi khác là phòng kỹ thuật .Tùy vào từng loại thang máy sẽ quy định vị trí bố trí phòng máy sao cho phù hợp. Các thiết bị được lắp đặt tại phòng máy bao gồm:
Động cơ: Cáp nằm trên rãnh puly. Khi động cơ quay thì cáp quay để nâng hoặc hạ Cabin thang máy.
Tủ điện: Bộ xử lý thông tin của thang máy, của thang máy có chức năng điều khiển tốc độ cabin và nhận tín hiệu từ các cảm biến và phím bấm,
Phanh điện từ (thắng động cơ): Chức năng giữ cho động cơ đứng yên khi không hoạt động và giữ thang máy cố định trong các sự cố mất điện.
Bộ phận phanh chống vượt tốc (Bộ điều tốc): Chức năng chính là giữ thang cố định khi vượt quá tốc độ cho phép.
Trên đây là những thành cơ bản của một công trình thang máy. Tuy nhiên hiện nay, với công nghệ tiên tiến hiện đại, các công trình thang máy có thể được xây dựng mà không cần hố PIT, không cần phòng máy để tối đa được diện tích sử dụng.