Thời kỳ xuất khẩu 'ngủ đông' của Việt Nam đang tới - Ngành dệt may, gỗ gặp khó vào năm 2023
Điểm đáng kỳ vọng là việc giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA có thể giúp xuất khẩu dệt may sang EU sáng sủa hơn từ quý 3/2023.
Trong báo cáo phân tích về triển vọng xuất khẩu hàng hóa, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) dự báo nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm vào năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng đến một số ngành chủ lực như dệt may, gỗ…
Mới đây, Bộ Công Thương cập nhật tình hình xuất khẩu hàng hoá tháng 11 với tín hiệu không quá khả quan do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát trên toàn cầu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 đã giảm 4% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ về mức 29,1 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ trong tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu do tình hình suy giảm ở tất cả các lĩnh vực.
Dữ liệu tháng 11 đã giảm nhiều hơn so với dự báo của Ngân hàng HSBC và thị trường (HSBC: -2,3%; BBG: -2,3%). Trước diễn biến bất ngời, HSBC nhận định rằng thời kỳ xuất khẩu 'ngủ đông' của Việt Nam đang tới do tác động tiêu cực đang xảy ra trên diện rộng tại ba điểm đến chính của xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và châuv u.
Trong 2 năm vừa qua, các nhà xuất khẩu châu Á đã hưởng lợi nhiều nhờ nhu cầu đối với một số sản phẩm tăng lên. Giữa bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều lần xảy ra, nhìn chung, Việt Nam vẫn tỏ ra vượt trội, tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đà tăng trưởng này kéo dài tới 6 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên, các dấu hiệu giờ đây cho thấy đã đến lúc ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.
Ở góc nhìn của VND, đánh giá những khó khăn hiện tại, công ty chứng khoán này cho rằng các doanh nghiệp gỗ và dệt may có thể bị suy giảm biên lợi nhuận vào năm tới.
Cụ thể, đối với nhóm dệt may, VNDirect cho biết từ tháng 7 đến nay, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu, lượng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Adidas, Nike tăng mạnh 44% và 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Cầu giảm, giá dầu và bông chững lại cũng góp phần đưa giá nguyên liệu đầu vào như sợi cotton, sợi polyester sẽ giảm 1-3% vào năm 2023.
Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát, các công ty dệt may có thể sẽ chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng có giá trị thấp khiến biên lợi nhuận của các công ty giảm 0,8 -1,0 điểm % vào năm 2023.
Tuy nhiên, VND kỳ vọng Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm 2023 sẽ là chất xúc tác cho sự phục hồi của ngành dệt may bởi Trung Quốc là nhà nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu.
Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu dệt may sang EU sẽ sáng sủa hơn từ quý 3/2023 do các sản phẩm dệt may được giảm thuế nhập khẩu nhờ EVFTA. Các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm thuế xuất khẩu 2- 4% vào năm 2023.
Về ngành gỗ, VNDirect cho rằng lãi suất vay mua nhà và giá nhà tăng có thể làm giảm nhu cầu mua nhà và nội thất tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Lãi suất vay mua nhà tại Mỹ hiện ở mức 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi giá nhà trung bình ở mức 454.900 USD/căn, tăng 10,6% trong quý 3 do nguồn cung thiếu hụt.
Mặt khác, VNDirect thông tin giá ván ép - nguyên liệu đầu vào chính của ngành gỗ vẫn ở mức thấp 3,7- 4 USD/tấm, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục giảm 5% trong năm 2023. Do vậy, doanh nghiệp gỗ sẽ phải giảm giá bán trung bình để thu hút nhiều khách hàng hơn, theo đó, biên lợi nhuận gộp có thể giảm 0,5 - 0,8 điểm % vào năm 2023.